Thứ Sáu, 19 tháng 9, 2014

Thông tin từ hiện trường cho biết, lái xe container va chạm với tàu hỏa trong vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng tại Nam Định vừa bị cơ quan công an tạm giữ lấy lời khai.


Có thể xe đầu kéo đã cố tình băng qua đường ngang dân sinh khi đoàn tàu lao đến, khiến vụ tai nạn xảy ra làm 2 lái tàu thương nặng và đường sắt bị tê liệt nhiều giờ. Ảnh: C.Nguyễn
Tại hiện trường vụ tai nạn, các lực lượng cứu hộ đang cố gắng dùng cẩu chuyên dụng cẩu đầu máy nặng khoảng 100 tấn ra khỏi đường ray. Ông Bùi Văn Tựu, Giám đốc Trung tâm ứng phó sự cố thiên tai và cứu nạn đường sắt cho đây là phần việc khó khăn nhất, khi cẩu được đầu máy ra khỏi đường ray, sẽ giải tỏa khắc phục các phần còn lại tại hiện trường vụ tai nạn. Dự kiến, 14g 30 phút chiều nay sẽ thông tàu qua đoạn đường này. Bà Phùng Lý Hà, Phó Trưởng Ga Hà Nội cho biết có hai chuyến tàu vẫn xuất phát từ ga Hà Nội (SE 5, SE 7). Khi đến ga Nam Định, tàu sẽ dừng và khách được chuyển tải bằng ô tô qua hiện trường vụ tai nạn. Tại đầu bên kia khu vực tai nạn, đã có tàu chờ sẵn. Như vậy, dù xảy ra tai nạn trên tuyến, trong sáng nay, đường sắt Bắc - Nam không bị gián đoạn. Như Báo Giao thông đã đưa tin, vào lúc 2h14 phút sáng nay (19/9), tại đường dân sinh Km 90+600 tuyến đường sắt Bắc – Nam (khu gian Trình Xuyên – Nam Định), thuộc địa bàn xã Tân Thành, huyện Vụ Bản, Nam Định đã xảy ra vụ TNGT đường sắt nghiêm trọng giữa đoàn tàu khách NA2 (Vinh – Hà Nội) và xe ô tô đầu kéo container mang BKS 15C – 037.24. Ông Bùi Văn Tựu, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố thiên tai và cứu nạn đường sắt cho biết, vụ tai nạn đã làm đầu máy D19E – 924 và 1 toa công vụ phát điện bị lật, 1 toa xe ghế ngồi bị trật bánh. Lái tàu Nguyễn Văn Đông và phụ lái tàu Nguyễn Công Vũ của Xí nghiệp đầu máy Hà Nội bị thương nặng đã được đưa đi cấp cứu, 1 hành khách bị xây sát nhẹ. Tài xế ô tô đã ngay lúc xảy ra tai nạn đã bỏ đi khỏi hiện trường. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Giao thông, các đơn vị cứu hộ của Tổng công ty Đường sắt VN (VNR) đang khẩn trương cứu viện, đưa đầu máy và toa xe bị đổ ra khỏi khổ giới hạn đường sắt, tập trung sửa chữa đoạn đường sắt bị hư hỏng để thông đường trong thời gian sớm nhất. Có mặt tại hiện trường, ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch HĐTV VNR cho biết, chúng tôi đang phối hợp với các đơn vị chức năng của địa phương khẩn trương cứu hộ. Hiện trường vụ tai nạn được cơ quan công an địa phương bảo vệ nghiêm ngặt. Chúng tôi sẽ tập trung cứu hộ và thông đường trong thời gian sớm nhất. Ông Phạm Đình Hiếu – Giám đốc Xí nghiệp vận tải Đường sắt Hà Ninh cho biết đã huy động ô tô khách để chuyển tải hơn 650 trên hai đoàn tàu SE4 và SE2 đang phải nằm chờ đường tại ga Ninh Bình về Hà Nội và 315 hành khách trên tàu NA2 cũng đã được bố trí chuyển tải về Nam Định và Hà Nội an toàn. Nguyên nhân vụ tai nạn đang được cơ quan công an điều tra làm rõ, tuy nhiên theo ghi nhận một số cán bộ đường sắt có mặt tại hiện trường, vụ tại nạn xảy ra khi tài xế ô tô đầu kéo BKS 15C-037.24 cố tình lái xe qua đường sắt. Thiện Anh

Cứ vào mùa mưa bão, nhiều hộ dân sống ven các tuyến kênh rạch tại TP.HCM luôn nơm nớp lo sợ hà bá bất thình lình hỏi thăm, nhẹ thì bị “nuốt” mất vườn, lối đi, tài sản, còn nặng có thể mất nhà, đe dọa tính mạng.


Nhà bà Nguyễn Thị Nhánh (P.27, Q.Bình Thạnh) nứt tường vì sạt lở

PV NNVN đã có cuộc khảo sát một số điểm nóng ghi nhận cuộc sống hết sức chênh vênh của nhiều hộ dân tại một số khu vực có nguy cơ sạt lở cao…

LIỀU MÌNH GIỮ NHÀ

Chúng tôi có mặt tại tổ dân phố 4, đường Lê Văn Lương, xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè – nơi có hàng chục hộ dân đang bị tình trạng sạt lở trên sông Rạch Kiểng đe dọa trực tiếp.

Ngay khi nghe khách hỏi thăm, ông Lê Xung Kích, cựu chiến binh, tổ trưởng tổ dân phố 4 (ngụ số 527/82/6 Lê Văn Lương) bức xúc cho biết: “Bà con ở đây đang rất khổ sở với tình trạng sạt lở, bởi từ khi chính quyền bỏ công bỏ của ra làm kè và đường mới, thì đến nay đã có tới 6 lần đường ống dẫn nước sinh hoạt bị bể phải sửa chữa và 3 lần con đường mới làm bị hỏng vì sạt lở”.

Chỉ vào con đường lún sụt, ông Kích tiếp: “Giờ đi lại không được buộc bà con phải gửi xe gắn máy ở nhà người quen bên ngoài, đợi sửa xong đường rồi mới đi bình thường được, chú ạ!”.

Người dân ở đây cũng kể, có lần đường mới sửa xong hôm trước, hôm sau mặt đường lại nứt toác trở lại. Sạt lở luôn rình rập khiến sinh hoạt thường ngày bị đảo lộn, người dân luôn trong tình trạng bất an. Khổ nhất là những gia đình có trẻ nhỏ, luôn phải có người lớn túc trực, sơ sểnh là bọn nhỏ rớt nước lúc nào không hay.

Được biết, hơn 20 hộ dân ở đây hiện nằm trong khu vực giải tỏa bàn giao diện tích nhà, đất cho các đơn vị thi công xây dựng kè chống sạt lở. Nhưng đã gần 3 tháng trôi qua, kể từ thời điểm sạt lở nguy hiểm nhất xảy ra vào cuối tháng 6, người dân vẫn chưa nhận được thông báo giá cả đền bù nhà, đất bị thu hồi để có thể yên tâm “cân đo đong đếm” túi tiền rồi mua đất di dời sang chỗ ở mới.

Tại nhà chị Đoàn Thị Mai Hoa, một trong 4 hộ dân nằm ngay vị trí sạt lở nguy hiểm nhất, chúng tôi quan sát thấy ngôi nhà cấp 4 của chị rạn nứt, xiêu vẹo, chỉ chực đổ sập.

Do chồng bỏ đi từ lâu, một nách chị nuôi 2 con nhỏ nên khi thấy nhà nguy hiểm, chị bấm bụng gửi con gái lớn học lớp 10 sang ở với nhà ngoại, còn con trai nhỏ thì gửi sang nhà nội. Một mình chị ở lại giữ nhà và buôn bán, đêm đến nếu không mưa chị trải chiếu trước hiên nhà ngủ cho an toàn.

Còn khi trời mưa, vào nhà ngủ mà tâm trạng thấp thỏm, lo âu vì nếu lỡ xảy ra sạt lở thì có thể ngôi nhà sẽ bị cuốn xuống sông.

BẤT ĐỒNG VỀ ĐỀN BÙ GIẢI TỎA

Nếu như các hộ dân ở tổ 4, xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè đang khắc khoải chờ cơ quan chức năng áp giá đền bù, thì ngược lại, một số hộ dân ở phường 27, quận Bình Thạnh dù đã được thông báo giá đền bù nhưng lại bất chấp nguy hiểm để bám nhà do không đồng tình với mức giá bồi thường.

Trước đây, TP.HCM có nhiều giải pháp thi công xây dựng các bờ kè, tường bê tông cốt thép, cừ bê tông dự ứng lực và gần đây nhất là sử dụng kè nhựa UPVC để bảo vệ chống sạt lở hệ thống sông, kênh, rạch.
Thế nhưng các giải pháp tốn nhiều kinh phí, phải duy tu sửa chữa thường xuyên này hiệu quả chưa cao vì thiếu đồng bộ, và đa phần trong khi thực hiện thường chậm tiến độ do quá trình giải phóng mặt bằng cùng ngân sách vốn bị rót chậm do thiếu hụt.

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Nhánh (ngụ tại 97 đường số 3, tổ 24, phường 27) cho biết: “Gia đình tôi mua căn nhà này từ năm 1991, có diện tích 75,2 mét vuông với giá 4 cây vàng. Hiện nay nhà tôi đã trở thành mặt tiền đường nhưng tiền đền bù thấp (khoảng 600 triệu đồng) và lại cấp đất tái định cư ở tận huyện Bình Chánh nên gia đình không chấp nhận”.

Bà Nhánh cũng cho biết thêm, vì thuộc khu quy hoạch nên căn nhà cấp 4 của gia đình dù ọp ẹp, xiêu vẹo, nứt vách, sụt nền do ảnh hưởng bởi sạt lở nhưng không thể sửa chữa vì sắp giải tỏa. Vài người con của bà lập gia đình và có con nhỏ do sợ nguy hiểm nên đã dọn ra ngoài thuê phòng trọ, còn lại bà và những người khác do điều kiện không cho phép nên buộc phải ở lại.

Gần đó, hộ bà Nguyễn Thị Xuân Mai (số 6/A4) và hộ ông Ngô Hoàng Tuấn (số 125) cùng một số hộ khác tại khu vực này cũng không chấp nhận di dời vì cho rằng giá đền bù thấp.

Việc bất đồng về giá đền bù này đang tạo ra nhiều mối nguy hiểm cho người dân nơi đây. Và vô tình các hộ dân gián tiếp làm công trình trọng điểm của TP.HCM (đoạn 1.4 thuộc kè bảo vệ bờ sông Thanh Đa – Bình Quới) có nguy cơ “dậm chân tại chỗ” vì không có mặt bằng thi công.

Theo tìm hiểu của PV, từ tháng 2/2014 UBND TP.HCM đã ban hành đề án quy hoạch bố trí dân cư phòng tránh thiên tai giai đoạn 2014 - 2016. Theo đó, từ nay đến hết năm 2016 sẽ tiến hành di dời gần 1.300 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm ở các địa bàn như: Quận 2, Bình thạnh, Thủ Đức, Nhà Bè...

Và đến hết năm nay sẽ di dời 647 hộ, sang năm 2015 là 388 hộ và đến năm 2016 sẽ di dời hết 259 hộ dân còn lại ra khỏi các khu vực nguy hiểm.

Trước mắt, theo quan sát của PV, tại các khu vực sạt lở, Khu Quản lý đường thủy nội địa thuộc Sở GT-VT TP.HCM đã thi công khắc phục tạm thời, cắm biển cảnh báo sạt lở. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, theo dõi diễn biến sạt lở để cảnh báo nhân dân chủ động di dời phòng, tránh các thiệt hại có thể xảy ra.

Tuy nhiên, chính quyền cảnh báo cứ cảnh báo, người dân lại đưa ra nhiều lý do, đặc biệt là việc bất đồng trong việc đền bù giải tỏa khiến họ cứ “liều mình” sống ngay sát miệng… hà bá!

THIẾU “NHẠC TRƯỞNG” VÀ QUY HOẠCH TỔNG THỂ

Trong thời gian qua, việc phòng chống sạt lở ở TP.HCM nói riêng và cả ở ĐBSCL nói chung còn rất bị “động”, chưa có bài bản tổng thể. Nghĩa là xói lở ở đâu thì nghiên cứu làm công trình kè chống sạt lở ở đó theo kiểu “nước đến chân mới nhảy”.

Các cơ quan chức năng chưa chủ động được trong công tác phòng - chống sạt lở, hiệu quả đạt được khi thực hiện là chưa cao.

Do đó, để phòng chống và hạn chế tác hại của sạt lở một cách triệt để, về lâu dài, cần phải xây dựng ngay một bộ Quy hoạch tổng thể “chỉnh trị” cho hệ thống sông ngòi, kênh rạch trên toàn vùng.

Các ngành có liên quan phải cùng tham gia vào quy hoạch chỉnh trị này. Trên cơ sở có sự thống nhất của các ngành, quy hoạch chỉnh trị sẽ được thực hiện từng bước.

Trong đó, các trọng điểm sạt lở nghiêm trọng cần phải được ưu tiên chỉnh trị trước, rồi từng bước thực hiện chỉnh trị cho các khu vực thứ yếu kế tiếp. Trong điều kiện chưa đủ nguồn lực kinh tế, cần phải có dự báo sạt lở, tổ chức di dời tại các trọng điểm nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân.

(PGS.TS Đinh Công Sản - Viện Khoa học Thủy lợi)


[Nhà đất] -Nhà đẹp ngày thu

CafeLand - Nếu bạn đang tìm kiếm sự ấm áp trong mùa thu, tại sao không thử thay đổi ngôi nhà một chút với phong cách Scandinavia.

Hành lang bắt mắt


Với tấm thảm vàng họa tiết hình học, khu vực hành lang trở nên hấp dẫn và bắt mắt. Sắc vàng không chỉ nổi bật trên nền xám mà còn đem lại sự ấm áp nhưng không kém phần vui nhộn.

Phòng khách ấm áp


Trong căn phòng được thiết kế tối giản, gỗ được sử dụng một cách vừa phải và tinh tế từ tủ đến bàn trà.


Phòng khách ấm áp với màu xám làm chủ đạo và điểm nhấn là một chiếc ghế màu cam rực rỡ, gối tựa và thấm thảm họa tiết hình học.


Phòng khách nổi bật với ghế sofa trắng, gối tựa màu cam và màu xanh chàm.

Phòng ngủ nhẹ nhàng


Phòng ngủ sang trọng với bộ ga gối bằng vải lanh mài hồng nhạt kết hợp ăn ý với màu xám. Để hoàn thiện không gian yên tĩnh này, bạn chỉ cần phủ lên tường một lớp sơn màu xám và sàn gỗ tự nhiên.


Hầu hết đồ nội thất trong căn phòng đều có màu trắng trùng với màu tường, ga trải giường, gối và những chiếc cờ đuôi nheo làm nổi bật căn phòng.

Phòng ăn này được thiết kế theo phong cách Bắc Âu


Bàn ăn mộc mạc với khăn trải bàn màu sắc.


Màu trắng được sử dụng nhiều để tạo sự phản chiếu ánh sáng đẹp mắt. Bàn ăn trắng kết hợp với những chiếc ghế gỗ phong cách Đan Mạch giúp hoàn hảo phong cách Scandinavia.



Hiền Thương (HTH)


(ĐTCK) Quyết định 51/2014/QĐ-TTg dành hẳn một mục lớn để quy định về thoái vốn nhà nước đầu tư tại các công ty tài chính, ngân hàng thương mại.


Trong đó, người mua ưu tiên sẽ là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các nhà băng được chỉ định chứ không như thị trường vẫn nghĩ rằng SCIC có nhiệm vụ “ôm” lượng cổ phiếu này.

Việc thoái vốn ngân hàng được chia thành nhiều trường hợp. Trước hết, những ngân hàng có cổ đông là DNNN sở hữu từ 5% vốn điều lệ trở lên được NHNN xem xét tiếp nhận đại diện chủ sở hữu hoặc chỉ định một hoặc một số ngân hàng thương mại nhà nước (bao gồm ngân hàng thương mại nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc trên 50% vốn điều lệ) mua lại theo phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đối với từng trường hợp.

Các trường hợp khác, DNNN thực hiện thoái vốn thông qua đấu giá và bán thỏa thuận và phải được NHNN chấp thuận bằng văn bản nhà đầu tư mới.

Trường hợp bán không thành công thì đề nghị NHNN tiếp nhận đại diện chủ sở hữu hoặc chỉ định ngân hàng thương mại nhà nước mua lại trước khi đề nghị SCIC mua.

Trường hợp khoản đầu tư chiếm dưới 5% vốn điều lệ của ngân hàng thương mại, DNNN thoái vốn trên thị trường theo quy định (đấu giá, thỏa thuận, khớp lệnh…). Trường hợp không bán được hoặc không bán hết thì doanh nghiệp báo cáo chủ sở hữu vốn nhà nước đề nghị SCIC xem xét thỏa thuận mua số cổ phần còn lại.

Theo thống kê, hiện số vốn đầu tư của DNNN vào các ngân hàng, công ty tài chính khoảng trên 10.000 tỷ đồng. Trong đó, có thể kể đến một số khoản đầu tư lớn của các tập đoàn, TCT như Tập đoàn Dầu khí sở hữu 20% cổ phần Ocean Bank và 52% cổ phần PVcomBank, Tập đoàn Điện lực sở hữu 16% vốn điều lệ ABBank, VNPT nắm 9% vốn điều lệ Maritime Bank, Petrolimex nắm 40% cổ phần PG Bank.

Một số doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối cũng tham gia đầu tư vào ngân hàng như Vietnam Airlines tại Techcombank, MobiFone, PVGas tại SeABank, Tập đoàn Bảo Việt tại Ngân hàng Bảo Việt, Vinare tại TPBank … Riêng khối công ty tài chính, hiện có gần 10 đơn vị có vốn góp của các tập đoàn, TCT như Sông Đà, Xi măng, Handico, Viettel - Vinaconex…

Đánh giá của NHNN cho thấy, tất cả những ngân hàng có vốn đầu tư ngoài ngành của DNNN kể trên đều đang hoạt động khá ổn định và không thuộc nhóm phải tái cơ cấu trong đợt 1. Bởi vậy, với tư cách là cơ quan quản lý ngành, ít có khả năng NHNN trực tiếp đứng ra nhận quyền sở hữu cổ phần tại các ngân hàng thương mại kể trên, vì theo thông lệ quốc tế, Ngân hàng Trung ương chỉ đứng ra tiếp nhận, tham gia mua lại cổ phần và trở thành cổ đông để xử lý ngân hàng yếu kém, phải cơ cấu để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.

Như vậy, chỉ có 3 con đường với số vốn trên 10.000 tỷ đồng nói trên. Trong đó, ưu tiên số 1 là NHNN chỉ định ngân hàng quốc doanh đứng ra mua lại để thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu. Hiện các ngân hàng có quyền mua có thể kể đến như Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank.

Trước đây, NHNN cũng đã chỉ định Vietcombank tham gia mua lại một lượng lớn cổ phần và trực tiếp thực hiện quá trình tái cơ cấu hoạt động của Eximbank cùng một số ngân hàng yếu kém khác. Song nhìn nhận một cách thẳng thắn hiện nay, trong số các ngân hàng vừa kể tên, không phải ngân hàng nào cũng có năng lực thực sự về tài chính, chưa nói đến khả năng hỗ trợ các nhà băng khác.

Hồi giữa năm nay, thị trường từng ồn ào chuyện Vietinbank tham gia đầu tư vào PGBank và Công ty Tài chính Viettel-Vinaconex. Bởi vậy, rất có thể, ngân hàng này sẽ là một trong những đầu mối được chỉ định tham gia mua lại một số khoản đầu tư ngoài ngành.

Con đường thứ hai là các tập đoàn, TCT chủ động tìm nhà đầu tư để bán lại/bán bớt số cổ phần trên. Với tỷ lệ cổ phần ở một số ngân hàng như OceanBank, PVcomBank, ABBank, PGBank… rất lớn, những nhà đầu tư mới chính là các nhà đầu tư chiến lược của ngân hàng.

Ở thời điểm hiện nay, việc tìm kiếm và thỏa thuận thành công với các nhà đầu tư như vậy, cả trong và ngoài nước không hề dễ dàng.

OceanBank từng kỳ vọng sẽ đàm phán để Tập đoàn Hemes (Anh) bỏ vốn vào Ngân hàng, nhưng suốt 3-4 năm qua chưa thực hiện được.

Còn nhà đầu tư trong nước, năm 2013, 2 đợt bán đấu giá cổ phần của Vietnam Airlines tại Techcombank; của EVN tại ABBank đã thất bại hoàn toàn vì không có nhà đầu tư tham gia.

Diễn biến thị trường và nền kinh tế hiện nay đã tích cực hơn so với trước đây, nhưng khả năng mua lô lớn qua đấu giá và thỏa thuận trong lĩnh vực ngân hàng vẫn mờ mịt.

Con đường thứ ba là bán cho SCIC. Theo ông Lại Văn Đạo, Tổng giám đốc SCIC, sau khi Chính phủ có chủ trương SCIC tham gia vào việc thoái vốn đầu tư tại các ngân hàng, SCIC đã rà soát lại sức khỏe của các ngân hàng thuộc diện thoái vốn. Song mức độ mới chỉ ở việc tiếp cận qua các thông tin được công bố. Như một nhà đầu tư tính đến cả hiệu quả, SCIC cho biết họ chỉ tham gia vào những ngân hàng có tiềm năng và quan trọng là lành mạnh.

“SCIC coi đây là một khoản đầu tư, có thể chỉ nắm giữ trong ngắn hạn, khi điều kiện thị trường phù hợp, chúng tôi có thể thoái vốn”, ông Đạo nói. Sẵn tiền, mong muốn tìm kiếm được những cơ hội tốt, nhưng việc tham gia vào tiến trình này của SCIC lại phụ thuộc vào 2 yếu tố: ý chí của NHNN và bản thân các tập đoàn, TCT liệu đã sẵn sàng buông “con” thời điểm này hay còn níu kéo thêm thời gian nữa?

Anh Việt

TTO - Ngày 19-9, kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy đa phần cử tri Scotland nói không với việc nước này tách khỏi vương quốc Anh để trở thành quốc gia độc lập.


Người dân Scotland ủng hộ ở lại với vương quốc Anh ăn mừng chiến thắng - Ảnh: Reuters

Theo Reuters, tính toán sơ bộ cho thấy khoảng 54,28% cử tri Scotland nói không với việc tách khỏi vương quốc Anh, trong khi lực lượng ủng hộ độc lập chỉ có 46% số phiếu. Hiện tại hơn 60% số phiếu đã được kiểm xong.

Tổng cộng 26 trên 32 khu vực ở Scotland đã công bố kết quả trưng cầu dân ý. Phe ủng hộ độc lập chỉ chiến thắng ở vỏn vẹn hai khu vực. Trên đài BBC, chính trị gia Nicola Sturgeon thuộc Đảng Dân tộc Scotland (SNP) thừa nhận phong trào độc lập đã thất bại.

“Giống như hàng nghìn người trên cả nước tôi đã đặt cả trái tim và tâm hồn vào chiến dịch này và sự thất vọng là vô cùng to lớn” - bà Sturgeon tuyên bố. Các chính trị gia ủng hộ việc ở lại với vương quốc Anh cho rằng đây là “tin vô cùng tốt lành với Scotland và vương quốc Anh”.

Ước tính có tới 90% trong số 4,3 triệu cử tri Scotland đã đi bỏ phiếu quyết định tương lai đất nước, một con số kỷ lục. Dù phe đòi độc lpaaj đã thất bại, bà Sturgeon khẳng định Scotland đã thay đổi vĩnh viễn. “Chúng tôi sẽ hợp tác với bất kỳ ai để đảm bảo Scotland có thêm nhiều quyền tự trị” - bà Sturgeon nhấn mạnh.

Trước đó chính phủ Anh đã cam kết sẽ trao thêm quyền tự trị về thuế và tài chính cho Scotland nếu người dân nước này lựa chọn tiếp tục cuộc “hôn nhân” kéo dài 307 năm với vương quốc Anh.


Trang bìa tờ Daily Mirror chạy dòng tít lớn thông báo kết quả kiểm phiếu. Ảnh: Mirror.

Alistair Darling, lãnh đạo phong trào "nói không với độc lập" cùng những ủng hộ viên ở Edinburgh. Ảnh: Reuters

NGUYỆT PHƯƠNG

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hiện nay một cơn bão đang hoạt động trên vùng biển phía Đông đảo Luzon (Philippines) có tên quốc tế là Fung-Wong.


NHình ảnh và đường đi của cơn bão Fung-Wong. (Nguồn: nchmf.gov.vn)



Hồi 7 giờ ngày 19/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 122,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển phía Đông đảo Luzon (Philippines) khoảng 70 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (tức là từ 75 đến 88km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km và còn có khả năng mạnh thêm.

Đến 7 giờ ngày 20/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,2 độ Vĩ Bắc; 120,0 độ Kinh Đông, cách đảo Đài Loan khoảng 230km về phía Nam Tây Nam.

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (tức là từ 75 đến 102km một giờ), giật cấp 11, cấp 12.

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Bắc, sau đó là Bắc Đông Bắc (hướng ra phía ngoài Biển Đông), mỗi giờ đi được khoảng 15-20km và còn tiếp tục mạnh thêm.

Đến 7 giờ ngày 21/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 23,5 độ Vĩ Bắc; 121,4 độ Kinh Đông, trên bờ biển phía Đông đảo Đài Loan.

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (tức là từ 89 đến 102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12.

Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, từ chiều tối và đêm nay (19/9), vùng biển phía Đông Bắc Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 6-8, vùng gần tâm bão cấp 9-10, giật cấp 11-12. Biển động rất mạnh/.

Ngày 18/9, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TU, ngày 10/11/2008 của Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trên địa bàn thành phố Hà Nội trong tình hình mới”.

Đến dự có Trung tướng Bùi Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an; đồng chí Nguyễn Công Soái, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cùng đại diện lãnh đạo ban Đảng, văn phòng Thành ủy, văn phòng đoàn đại biểu quốc hội và HĐND thành phố, văn phòng UBND thành phố.

Báo cáo tổng kết nêu rõ, sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 06 của Ban Thường vụ Thành ủy, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các cấp và sự cố gắng của các sở, ngành, các đơn vị, tổ chức, đảng viên và nhân dân Thủ đô, trong đó, nòng cốt là lực lượng Cảnh sát PCCC, công tác PCCC trên địa bàn thành phố đã có chuyển biến tích cực. Việc xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC từng bước đi vào chiều sâu, tạo thói quen và ý thức cho người dân tham gia trong công tác phòng ngừa hỏa hoạn; hiệu lực quản lý Nhà nước về PCCC được tăng cường; công tác phát triển lực lượng, đầu tư cho hoạt động PCCC đã được quan tâm; lực lượng PCCC có sự trưởng thành, lớn mạnh về số lượng và chất lượng.

Công tác phối hợp giữa các cấp, ngành trong triển khai các nhiệm vụ PCCC đã có chuyển biến tiến bộ; huy động được sự tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị và nhân dân. Những kết quả đó đã từng bước kiểm chế sự gia tăng về số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thủ đô.


Trung tướng Bùi Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tại Hội nghị.

Tham luận của các đơn vị tại Hội nghị đã làm rõ hơn những kết quả công tác PCCC trong 5 năm qua, đề xuất nhiều giải pháp hữu hiệu để thực hiện tốt hơn công tác PCCC trong thời gian tới.


Trung tướng Bùi Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Trung tướng Bùi Văn Thành biểu dương, chúc mừng các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc được Bộ Công an, thành phố Hà Nội khen thưởng trong công tác phòng cháy, chữa cháy những năm vừa qua.Trung tướng Bùi Văn Thành nhấn mạnh, trong thời gian tới, tình hình cháy, nổ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, nhất là nguy cơ cháy tại nhà cao tầng, cháy chợ và trung tâm thương mại và khu đông dân cư.


Đồng chí Nguyễn Công Soái, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội trao thưởng cho các cá nhân có thành tích xuất sắc.

Thời gian tới cần kiềm chế số vụ cháy, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy gây ra, chặn đứng tình trạng cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng; tăng cường chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm và phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ đến năm 2020 và tầm nhìn 2030; lực lượng Cảnh sát PCCC Thành phố Hà Nội làm nòng cốt, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể của địa phương tích cực, chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả phong trào toàn dân tham gia PCCC; đơn vị PCCC Hà Nội phối hợp với các cơ quan chức năng chủ động đề xuất thành phố về quy hoạch đô thị, mạng lưới giao thông, cấp nước để triển khai công tác chữa cháy.

Trong 5 năm (từ ngày 10/11/2008 đến 10/11/2013), trên địa bàn thành phố xảy ra 1.130 vụ cháy, làm 59 người chết, 143 người bị thương, thiệt hại về tài sản trị giá ước tính 391 tỷ đồng. Bình quân mỗi năm Hà Nội xảy ra 226 vụ cháy, nổ, thiệt hại khoảng 80 tỷ đồng. Ngoài ra, hàng trăm vụ cháy nhỏ khác được các lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng phát hiện, dập tắt kịp thời, không để cháy lớn gây thiệt hại về người và tài sản.