Chủ Nhật, 7 tháng 9, 2014

Nữ trang Kabyle, nổi tiếng thế giới



(CATP) Từ 11 năm qua, Ath Yenni thuộc vùng Kabyle của Algerie là trung tâm của một nghề thủ công tồn tại từ nhiều thế kỷ. Mỗi năm người ta đều tổ chức lễ hội nữ trang. Năm 2013 nó thu hút được 40.000 du khách đến tham quan. Năm nay, lễ hội diễn ra từ ngày 6 đến 15-8, với 150 gian hàng trưng bày. Cái nóng chói chang của mùa hè vẫn không ngăn được nhiệt tình của du khách. Người ta đi lang thang, ngắm nghía một cách thèm thuồng, đưa tay sờ nắn những chiếc vòng đeo tay hay sợi dây chuyền, nâng niu một cặp bông tai để ước tính giá cả... Nữ trang chủ yếu đến từ vùng Kabyle, nhưng một số nghệ sĩ đến từ phía nam Algerie cũng có mặt để giới thiệu những sáng tạo của mình.

Ngoài doanh số bán được trong 8 ngày triển lãm, điều quan trọng là bảo vệ một nghề nghiệp hàng trăm năm đang trong cơn bão tố. Quả vậy, nhiều đe dọa đè nặng lên nghề làm nữ trang Kabyle, vốn nổi tiếng khắp thế giới từ hàng chục thế kỷ qua. Chủ tịch Hiệp hội nữ trang Kabyle, Ismail Deghoul giải thích: chính phủ thọc gậy bánh xe vào nghề kim hoàn Kabyle, nhất là ở khâu thu mua nguyên liệu cần thiết cho sản xuất. Đây là một truyền thống có nguy cơ phải chết. Khi phụ nữ Kabyle theo Hồi giáo phương Đông, họ thay đổi cách ăn mặc và bỏ đồ nữ trang để đeo khăn che mặt. Ilyas, một nghệ sĩ kim hoàn bán hàng trong khắp vùng cho biết: Theo truyền thống, mỗi món nữ trang có một ý nghĩa đặc biệt: như tấm lắc là dành cho đứa trẻ mới sinh ra đời, chiếc vòng đeo ở cổ chân là con gái chưa có chồng.

Truyền thuyết kể rằng: khi Adam và Eve bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, Adam rất giận vợ, vì bà không chịu nổi sự cám dỗ của con rắn. Nhưng khi quay lại nhìn thiên đàng một lần cuối cùng, ông thấy vợ mình cài một cành hoa trên mái tóc. Adam thấy Eve quá đẹp và quên mất cơn giận. Nữ trang ra đời từ đó. Năm 1492, nữ hoàng Tây Ban Nha đuổi ra khỏi nước tất cả những ai từ chối gia nhập Kytô giáo. Vì thế người Do Thái và Hồi giáo phải chạy qua bên kia bờ Địa Trung Hải. Họ định cư ở các nước thuộc vùng Bắc Phi, trong đó có Algerie. Một số nghệ sĩ Do Thái định cư ở Béjaia, cùng với nghệ thuật làm nữ trang. Họ truyền lại dần dần cho cư dân địa phương. Mấy chục năm sau, nghề kim hoàn truyền tới Ath Yenni. Lúc đó dân ở đây chuyên nghề làm bạc giả, từ Algerie chuyển đi tiêu thụ tại đế quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ). Nhưng các điệp viên của hoàng đế đã phát hiện ra bí mật của dân Ath Yenni. Họ bị bắt và phải chọn một trong hai: giao nộp máy móc hoặc bị xử tử. Nghề làm bạc giả chấm dứt từ đó và người ta chuyển sang làm nữ trang.

Thông thường nữ trang Kabyle kết hợp 3 yếu tố: bạc, san hô và đồ tráng men. Bạc khai thác từ Algerie, xử lý ở Pháp và nhập khẩu trở lại. San hô mua từ Địa Trung Hải. Và đồ tráng men nhập từ thành phố Limoges của nước Pháp. Nếu nghệ thuật là đặc trưng của các nghệ sĩ tại Kabyle, việc chế tạo nữ trang là kết quả trao đổi của nhiều vùng khác nhau. Ngoài nét đẹp hiển nhiên, nữ trang Kabyle triển lãm tại Ath Yenni còn mang một biểu tượng rất sâu đậm, cần phải bảo vệ và khuyến khích.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét