Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

[Nhà đất] -Di tích lại bị phá

Khi chùa Sổ (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội) bị "phá" đang tu bổ, rất ít người quan tâm. Chuyện bất thường đang dần trở thành bình thường.


Cấu kiện gỗ chùa Sổ bị phơi mưa nắng. Ảnh: HOÀI NAM

Khi chùa Sổ (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội) bị "phá" đang tu bổ, rất ít người quan tâm. Chuyện bất thường đang dần trở thành bình thường.

Chuyện... không có gì mới

Khi đường ống dẫn nước sông Đà về Hà Nội vỡ lần thứ chín, rất nhiều người đã nói: "Nếu một ngày báo chí đưa "ống dẫn nước sông Đà không vỡ", đấy mới là chuyện lạ". Chuyện đường ống nước sông Đà có nhiều điểm tương đồng với trùng tu di tích.

Cách đây mấy năm, chuyện thành nhà Mạc (Tuyên Quang) bỗng dưng được "hô biến" từ di tích rêu phong thành một "cái lò gạch" mới tinh khi ấy đã trở thành đề tài nóng bỏng. Dư luận nóng lên trước kiểu trùng tu có một không hai này. Sự kiện ồn ã đó tưởng như hồi trống ngũ liên cảnh tỉnh chuyện trùng tu như phá di tích. Nhưng dường như tiếng trống ngũ liên đánh bên những đôi tai bịt kín. Những chuyện vô lối trong tu bổ như chùa Dâu (Bắc Ninh), đình Xuân Tảo (Hà Nội), chùa Trăm Gian (Hà Nội)... ngày càng lạm phát. Cùng với tu bổ, người ta còn "phá" di tích theo một cách khác, âm thầm hơn, nhưng nguy hiểm không kém khi tự ý đưa hiện vật lạ, hiện vật ngoại lai vào di tích, cứ tự nhiên như di tích là của riêng. Việc "phá" di tích dưới mác trùng tu ngày một tăng lên. Trớ trêu, phản ứng của dư luận cứ ngày một "đuối" dần...

Gần đây, vụ việc tại ngôi đình Tiên Canh (Vĩnh Phúc) tiếp tục làm tăng thêm tính đa dạng của các phương thức "phá" di tích núp bóng trùng tu. Những người thợ đã phăm phăm vác cuốc, xẻng đập gần như tan tành mái đình. Rất khó tìm được một viên ngói lành. Nhiều cấu kiện gỗ có chạm khắc đẹp bị hỏng. Vụ đình Tiên Canh chưa kịp khép lại, thì cũng dưới cái danh rất mỹ miều là "tu bổ", chùa Sổ tiếp tục bị "phá". Chứng kiến thảm cảnh tại chùa Sổ, người ta không thể hiểu nổi vì sao một đơn vị như Công ty cổ phần xây dựng số 10 lại được phép "nhúng tay" vào một công trình kiến trúc nghệ thuật đẹp như thế. Ngoài việc tự ý "cắt xén" yêu cầu bắt buộc trong tu bổ di tích là xây nhà bao che công trình, không biết bao nhiêu cấu kiện gỗ, với những đường chạm khắc tinh tế, dù in dấu thời gian, nhưng chất lượng gỗ rất tốt, được hạ giải, nhưng chẳng ai quan tâm đánh số và chất đống lại một chỗ. Đã tồn tại qua hàng trăm năm không suy suyển, nhưng chỉ mấy tháng dãi nắng, dầm mưa, nhiều cấu kiện đã bị mục nát. Trong khi... tích cực phá cái cũ, người ta nhanh tay xây một tòa lầu bê-tông mới trong khu vực bảo vệ cấp 1 của di tích. Lầu bê-tông cốt thép hình lục giác này là phần tự ý xây dựng, không nằm trong sự cho phép của Cục Di sản văn hóa.

Quá nhàm với những "thảm họa" trùng tu, dư luận "bỏ quên" câu chuyện chùa Sổ. Nhưng những người yêu mến văn hóa thì coi mình bị một vố quá đau. Bởi chùa Sổ là di tích hiếm hoi mang dấu ấn của thời Mạc còn tồn tại đến ngày nay (phần lớn di tích đều mang phong cách kiến trúc, điêu khắc thời Lê Trung hưng và Nguyễn). Lại có những cuộc kiểm điểm. Lại có thêm những đoàn thanh tra đến làm việc khi sự vụ xảy ra. Và lại... tiếp tục rút kinh nghiệm. "Giai điệu" này nhiều người đã thuộc lòng. Nhưng điều gì xảy ra sau những cuộc kiểm điểm rút kinh nghiệm ấy? Những lỗi thường thấy trong tu bổ di tích đã quá rõ ràng: Nếu không phải là không có giấy phép nhưng vẫn tự ý nâng cấp, thì là chuyện cố ý xây thêm ngoài sự cho phép. Nếu không phải chuyện "ăn bớt" quy trình như chùa Sổ, thì là chuyện đơn vị thi công không đủ năng lực... Nhưng tại sao nó vẫn tái diễn với mức độ ngày càng trầm trọng hơn?

Lỗi ở đâu?

Nếu như trước đây, người ta có thể đổ cho việc thiếu văn bản pháp lý quy định, thì nay, hệ thống văn bản đã có thừa. Ngoài Luật Di sản văn hóa và Nghị định 98 của Chính phủ quy định chi tiết các điều của luật này, Thông tư số 18 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích đã có những quy định đầy đủ, chặt chẽ từ điều kiện để các tổ chức, cá nhân có thể tham gia lập quy hoạch di tích, tu bổ di tích; cho đến các quy định trong quá trình thi công, việc thanh, kiểm tra. Thông tư 18 có nhiều điểm được các chuyên gia về tu bổ, phục hồi di tích đánh giá cao trong "bịt" những kẽ hở thường thấy trong tu bổ như: Việc tuân thủ thiết kế tu bổ di tích đã được phê duyệt, chú trọng bảo tồn các yếu tố gốc cấu thành di tích, bảo vệ cấu kiện trong suốt quá trình thi công tu bổ di tích là nguyên tắc hàng đầu. Quá trình thi công bắt buộc phải xây dựng nhà bao che bảo vệ công trình, kho bảo vệ cấu kiện; các cấu kiện, thành phần kiến trúc, nền móng đều phải được đánh giá sau khi hạ giải... Vậy lỗi ở đâu nếu không phải do công tác quản lý, giám sát yếu kém? Nếu công tác quản lý tốt, liệu người ta có thể xây thêm tòa lầu lục giác cao cả chục mét như ở chùa Sổ? Cơ quan chức năng hoàn toàn không biết sự hiện diện của tòa lầu bê-tông cốt thép này cho đến khi báo chí lôi ra. Có lẽ, phải dùng từ "không chịu" phát hiện ra sai phạm trong tu bổ mới thích hợp.

Có thể cam đoan 100% rằng, chẳng chóng thì chầy, sẽ... lại có thêm những thành nhà Mạc, những chùa Trăm Gian hay chùa Sổ. Thậm chí sẽ có những vụ việc nghiêm trọng hơn. Và không ngạc nhiên khi một ngày nào đó người dân sẽ nói: Di tích được trùng tu đúng quy trình mới là chuyện lạ. Nếu tiếp tục như thế, hẳn là ngày chúng ta "cơ bản phá xong hệ thống di tích, di sản" trên toàn quốc không còn xa (!)

KINH BẮC

0 nhận xét:

Đăng nhận xét