GiadinhNet- “Tôi hỏi các em, nếu nhảy thì phải mặc quần áo gì? Vậy nên, tôi đã chuẩn bị sẵn một bộ đồ trẻ trung để lên sân khấu nhảy hip hop”
Trên đây là tâm sự của thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) ngay sau lễ khai giảng “đặc biệt”. Gọi là lễ khai giảng đặc biệt bởi thay vì bắt học sinh ngồi ngáp ngủ bằng những báo cáo dài loằng ngoằng như những nơi khác, sau nghi lễ cần thiết của buổi khai trường, thầy Bình đã thay đổi trang phục rất trẻ trung và trình diễn tiết mục khẩu thuật beatbox và nhảy hip hop cực sung khiến học sinh từ ngỡ ngàng đến vỡ òa trong phấn khích. Nhiều học sinh và giáo viên đã không ngại ngần chạy lên sân khấu để nhảy, chụp ảnh cùng thầy trong niềm hân hoan đầu năm học mới. Thầy cũng thú nhận, điệu nhảy hip hop trên đây, do mình học từ các học trò.
Trên fanpage của Trường THPT Việt Đức, hàng nghìn học sinh đã gọi tên thầy Nguyễn Quốc Bình với cái tên trìu mến: “hiệu trưởng của tuổi teen”. Nhiều học sinh thể hiện niềm tự hào vì được là học sinh của một thầy giáo vừa tâm lý, vừa gần gũi đến vậy. Trả lời PV GiadinhNet, thầy Bình chia sẻ: “Trước ngày khai giảng, tôi định hát một bài để tạo không khí vui vẻ cho các em trước khi vào năm học mới. Tôi muốn làm mới một chút cho các em đỡ nhàm chán và xem các em có háo hức chờ đợi. Tuy nhiên, tôi nghĩ, mình hát không hay, không biết sẽ ra sao. Đến khi một nhóm học sinh gồm 3 em của nhà trường có tiết mục nhảy hip hop hỏi tôi có tham gia không? Tôi đã nhận lời vì thấy vui vui và cùng học sinh tập một số động tác cơ bản”. Ngoài ra, thầy Bình còn chia sẻ về bộ quần áo xì- tin mình diện trong tiết mục trên được mình chuẩn bị từ trước. “Tôi hỏi các em, nếu nhảy thế, thầy phải ăn mặc thế nào? Các em bảo tôi phải mặc đồ trẻ trung một chút. Vì thế, sau khi tiễn một số quan khách ra về, tôi vào phòng thay đồ và ra sân khấu cùng các em”, thầy Bình nói.
Được biết, trước khi làm hiệu trưởng của Trường THPT Việt Đức, thầy Nguyễn Quốc Bình làm Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Chính (Hà Nội). Thầy đã từng tâm sự, khi nhận công việc mới, nhiều đêm tôi mất ngủ bởi những thắc mắc của học sinh. Thậm chí, có cựu học sinh còn lo sợ tôi làm cản trở nhà trường phát triển. Và thay vào hình ảnh một vị hiệu trưởng nghiêm nghị khi ở Trường THPT Nhân Chính, ở cương vị mới sau 6 năm, thầy Bình đã thực sự đã trở thành người bạn lớn của học sinh từ những chi tiết rất giản dị. Thầy là người đã hẹn học sinh toàn trường lên mạng trò chuyện vào chủ nhật hàng tuần, ra sân chơi bóng rổ cùng học sinh, nhảy flashmob dưới mưa cùng học sinh trong lễ chia tay lớp 12… để thầy trò trở nên gần gũi và thấu hiểu. Trả lời câu hỏi của GiadinhNet: “Thầy không nghĩ, việc làm của mình sẽ khiến nhiều học sinh thất vọng vì làm mất hình ảnh nghiêm túc của một nhà giáo”? Thầy Bình vui vẻ chia sẻ: “Một người thầy trong thời đại mới, trong công việc phải nghiêm túc. Nhưng trong cuộc sống, người thầy đó còn là người anh, người bạn để học sinh tin tưởng và gần gũi. Để các em tâm sự và chia sẻ. Muốn như vậy, trước hết người thầy phải thân thiện, không nên tạo ra khoảng cách vì như thế rất khó gần. Người thầy vừa là cha, là anh nhưng đôi khi phải là bạn để các em giải tỏa những khúc mắc. Muốn làm được điều đó, trước hết phải tạo ra hình ảnh gần gũi để các em tâm sự những điều khó nói”.
Tuy nhiên, nhiều người tỏ ý lo ngại, có thể một phần học sinh sẽ không thích sự thay đổi cho hợp xu thế mới như thầy Bình? Ông cho biết: “Thường là thầy giáo là phải đạo mạo, nghiêm khắc. Nhưng như thế chỉ tạo nên khoảng cách lớn giữa thầy và trò. Cuộc sống dạy tôi và cả trong những lần được trao đổi học tập những phương pháp giáo dục của nước ngoài khiến tôi nhận thấy, nếu thầy giáo chỉ đạo mạo, nghiêm túc mà không đúng lúc, đúng chỗ thì cũng chưa thể thành công”. Thầy Bình kể, hiện ông vẫn còn giữ nhiều bức thư của học sinh ở trường cũ và trường mới. Các em viết thư tay, tâm sự với thầy chuyện học, chuyện giáo viên, chuyện mới vào lớp 10 ngỡ ngàng ra sao, thậm chí cả chuyện thu chi trong lớp để thầy hiểu hơn… “Và mới đây, có một nam sinh đến tâm sự với tôi về chuyện tình yêu và mong được thầy cố vấn. Lúc đó, tôi phải đóng vai là người đang yêu để tư vấn tình cảm cho em. Tôi nghĩ, nếu không tạo được sự tin tưởng, có lẽ các em đã không dám tâm sự với hiệu trưởng những điều thầm kín như thế”, thầy Bình tâm sự. Hạnh Nguyên |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét